Trải nghiệm, đánh giá Yamaha YZF-R1 2016 tại Sài Gòn phiên bản mới
Nói một cách tóm lại, siêu phẩm Yamaha R1 là một chiếc superbike (trong khi R6 là supersport). Yamaha R1 sở hữu một thiết kế
Độ nhạy bướm ga linh hoạt, khả năng tăng tốc mạnh mẽ và mức độ bứt phá cực kì phấn khích cùng âm thanh mê hoặc là những gì mà superbike Yamaha R1 2016 mang lại cho người cầm lái.
Yamaha R1 2016.
Siêu mô-tô Yamaha YZF-R1 (R1) mẫu năm 2016 có nhiều tính năng cao cấp và hiện đại. Ở thời điểm ra mắt, siêu xe này tốn khá nhiều giấy mực của báo giới, về những gì mà Yamaha đã mang lại cho khách hàng. Vậy đâu mới là điểm mạnh thực thụ mà chiếc Superbike danh tiếng này mang lại, và đâu sẽ là những khiếm khuyết tối thiểu mà người dùng Việt Nam vẫn chưa hài lòng?!
Yamaha R1 được xem là một trong những mẫu xe mô tô phân khối lớn trong phân khúc Superbike 1000cc có sức mạnh đáng nể nhất hiện nay. Trong cộng đồng, có nhiều tranh cãi xoay quanh việc nên gọi đây là dòng Superbike hay Supersport?! Bởi vì theo nhiều cách hiểu của giới xe Việt Nam, Superbike ám chỉ những chiếc siêu mô tô vượt trội hơn hẳn những dòng xe khác, và Supersport ám chỉ những chiếc siêu xe thể thao thương mại có nhiều sự cạnh tranh!!!
Theo cách phân hạng phổ biến trên thế giới hiện nay, từ “Supersport” để chỉ dòng mô tô thể thao (Sport bike) cỡ trung và dung tích động cơ trong khoảng 600-750cc. Một giải đua nổi tiếng trong phân khúc này là Supersport World Championship của Liên đoàn mô tô quốc tế (FIM). Trong khi đó, từ Superbike để chỉ dòng mô tô thể thao có dung tích trên dưới 1.000cc, và cũng có giải đua Superbike World Championship.
Nói một cách tóm lại, siêu phẩm Yamaha R1 là một chiếc superbike (trong khi R6 là supersport). Yamaha R1 sở hữu một thiết kế hoàn mỹ với đường nét thừa hưởng gần như hoàn toàn từ chiếc Yamaha YZR-M1 trên đường đua MotoGP. Ngoại hình R1 2016 cho cảm giác đây chính là một chiếc xe đua thực thụ bước ra từ sân chơi chuyện nghiệp khiến nhiều người đam mê tốc độ khó kềm lòng.
Thiết kế:
Yamaha R1 2016 không có thiết kế giống bất kì thế hệ nào trước đó, ngoại trừ vẫn sử dụng động cơ Crossplane danh tiếng mà Yamaha đã nghiên cứu. Phần đầu của R1 2016 lấy nguyên bản vẽ trên chiếc YZR-M1 MotoGP, chỉ buộc phải thêm cụm đèn pha bằng công nghệ Projector giấu kín để lưu thông hợp pháp trên phố, đây là điểm nhấn đầu tiên giúp chiếc xe trông như một phiên bản xe đua đích thực.
Về thiết kế khí động học, những mẫu xe thể thao sportbike đều được nghiên cứu tỉ mỉ để hạn chế tối đa lực cản gió khi xe tăng tốc mạnh mẽ và vận hành ở tốc độ cao, và kính chắn gió dạng lớn, bộ quây liền mạch với rãnh hướng gió là những gì mà Yamaha phải nghĩ tới đầu tiên. Tiếp theo đó, để tối ưu hoá khả năng bám sát mặt đường cũng như loại bỏ những lực cản không mong muốn, phần yên phụ phía sau của R1 được thiết kế 2 khe hở lớn, điểm này giúp khi tay nài núp gió trên đường chạy, lực gió sẽ ép vào lưng và thoát ra phía sau yên, đè chặt R1 xuống mặt đường và loại bỏ những pha trượt bánh không mong muốn. Nhìn chung, thiết kế của R1 thật sự rất đẹp và quyến rũ, cho cái nhìn đầu tiên mà có thể nói kiểu như “đây là một chiếc xe đua thực thụ”.
Động cơ crossplane “đặc sản”
Crossplane là tên loại động cơ làm nên tên tuổi cho dòng xe R1 ở mọi thời đại. Vì vậy không khó hiểu khi nó vẫn được trang bị trên sản phẩm mới nhất của nhà Yamaha. Cỗ máy Crossplane vẫn sử dụng 4 xi-lanh như trên động cơ I4 phổ thông, nhưng thay vào đó, hành trình và thứ tự chuyển động piston được Yamaha thay đổi, để có thể dễ dàng đạt công suất cao nhất khi tay nài siết chặt tay ga. Động cơ Crossplane có một điểm đặc trưng là tạo ra âm thanh khá khô khan như trên các dòng xe L-Twin nhưng vẫn có tiếng hú của I4 huyền thoại, 2 âm thanh này kết hợp lại cho ra một thể loại âm thanh cực kì phấn khích khi chiếc siêu xe nổ máy.
Động cơ Crossplane của Yamaha YZF-R1 sử dụng 4 xi-lanh DOHC (trục cam đôi) dung tích 998cc cho công suất 200HP tại 13.500 v/ph cùng mô-men xoắn cực đại 112.4Nm tại 11.500 v/ph. Những con số kỹ thuật này có thể hiểu được phần nào khả năng tăng tốc là rất “hỗn”, và khi đạt ngưỡng tua 11.500 v/ph thì chiếc siêu xe sẽ được đẩy lên công suất 200 sức ngựa cho những màn chạy tốc độ vũ bão. Phần lớn những siêu xe thương mại đều bị khoá giới hạn đồng hồ, nên chỉ có thể đo được vận tốc ở mức 299km/h, và thật sự thì R1 2016 không khó để đạt vận tốc này khi chỉ mới ở bước số 5 trên tổng 6 cấp độ của hộp số.
Tính năng điện tử – công nghệ được trang bị:
Đây là phần được đánh giá cao nhất trên siêu phẩm R1 thế hệ 2016. Một chiếc xe dù mạnh tới đâu, dù có công suất lớn tới đâu nhưng nếu không có những thiết bị điện tử can thiệp thì nó cũng khó mà vận hành được tối đa hiệu năng cũng như đảm bảo an toàn cho xe và người lái trên các cung đường. Và Yamaha đã làm điều đó như thế nào?
– Công nghệ đầu tiên phải kể đến là hệ thống cảm biến IMU, đây là hệ thống cân bằng điện tử, giúp xe đạt độ cân bằng nhất định ở các góc cua. Công nghệ này được sử dụng trong nền công nghiệp chế tạo robot tiên tiến nhất hiện nay, và lần đầu tiên được ứng dụng trong việc chế tạo mô tô thương mại.
– Tiếp theo là hệ thống PWR cho phép thiết lập 4 chế độ hoạt động của van tiết lưu để phù hợp với điều kiện chạy thực tế. Hệ thống này kết hợp với hệ thống kiểm soát lực kéo TCS 10 cấp độ, cho phép tay nài kiểm soát tốt khả năng tăng tốc của xe, đặc biệt là với những đoạn đường đua chuyên nghiệp.
– Thiết bị thứ 3 là công nghệ chống trượt SCS lấy từ chiếc siêu xe M1 trên sân đua MotoGP, đây cũng là lần đầu tiên Yamaha ứng dụng công nghệ đường đua trên siêu xe thương mại. Công nghệ này kết hợp cùng IMU sẽ giúp xe có những điều chỉnh thích hợp nhất ở công suất động cơ khi xe xảy ra tình trạng trượt bánh.
– Bên cạnh những công nghệ mới đầy giá trị phía trên, chiếc R1 2016 hiển nhiên được thừa hưởng nhiều công nghệ khác mà hầu hết các dòng Superbike đều có như hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống chống bốc đầu không mong muốn LIF. Khi LIF kết hợp với TCS sẽ giới hạn lại vòng tua máy, tránh trường hợp xe mất khả năng bám đường ở bánh trước. Công nghệ kiểm soát bướm ga độc quyền của Yamaha là YCC-T khiến chiếc xe 200HP dễ dàng kiểm soát ở từng bước số. Ngoài ra, xe còn được trang bị hệ thống sang số nhanh Quickshifter, màn hình hiển thị màu TFT với đầy đủ thông số kỹ thuật, 3 chế độ lái mặc định cùng 1 chế độ lái tuỳ chọn giúp tay nài dễ dàng thích nghi với từng điều kiện thực tế.
khả năng vận hành, mức độ tăng tốc và nước rút:
Bài viết cảm nhận dưa trên phiên bản Yamaha YZF-R1 2016 được độ lại một số chi tiết nhằm mục đích nâng cao khả năng chạy và tăng tốc độ tối đa (max speed) cho xe. Chiếc xe test được trang bị hệ thống xả Akrapovic full-system bằng hợp kim titan dành riêng cho dòng R1, hệ thống PC-V map lại ECU để nâng công suất, bộ áo carbon như trên chiếc R1M giảm trọng lượng cùng kính gió lớn Zero Gravity tăng khả năng lướt gió.
Cảm nhận đầu tiên là chiếc xe khá nhẹ, theo thông số mặc định là 199kg, và với việc sử dụng bộ quây carbon, chiếc xe giảm thêm đáng kể trọng lượng.
Chiều cao của yên được đánh giá là thuần về “racing” nên khá cao, không phù hợp nhiều với vóc dáng người Việt hiện nay. Vị trí để chân hơi lùi về phía sau để tư thế lái ôm trọn hoàn toàn xe, điểm này giúp tay nài dễ dàng kiểm soát và “cảm” được cỗ máy mạnh 200 ngựa này.
Màn hình TFT hiển thị đầy đủ thông số cần thiết để người lái có thể biết chiếc xe đang chạy ở chế độ nào và những công nghệ nào đã được kích hoạt.
Ở số 1, chỉ cần vặn nhẹ tay ga, chiếc R1 sẽ chồm về trước một cách nhẹ nhành và linh hoạt, nếu vẫn giữ tay ga đều hoặc nhích nhẹ, bướm ga hoạt động cực nhạy sẽ khiến chiếc xe giựt mạnh và lao thẳng về phía trước. Đây là điểm mạnh với những xe tốc độ vì sở hữu khả năng đề-pa mãnh liệt – thích hợp với những cuộc đua đường thẳng ở cự ly ngắn.
Ở những bước số tiếp theo, đồng hồ đã trên 100km/h mặc dù vòng tua máy chưa báo redline, vào số nhanh và linh hoạt, sau khi chuyển số thì chiếc xe bước lên một cấp tốc độ mới, khả năng tăng nhanh hơn và lực kéo mạnh hơn hẳn khi vòng tua gần chạm ngưỡng 12.000 v/ph. Với khả năng tăng tốc hoàn hảo, chỉ với 5 bước số, xe đã có thể đạt ngưỡng 299km/h nếu người lái biết cách “ngâm ga” và “nuôi tua máy”.
Khi cần giảm tốc, ABS trên chiếc R1 cùng những công nghệ kiểm soát lực kéo hoạt động khá tốt nên người lái có cảm giác rất an toàn, mặc dù tốc độ lúc bắt đầu hãm phanh rất cao. Ở các góc cua, chiếc R1 vào cua ngọt nhờ vào thiết kế đậm chất xe đua với góc lái hẹp, gầm xe và trọng tâm xe thấp nên việc “đè cua” cho cảm giác rất thú vị, kịch tính.
Với âm thanh đặc trưng của máy Crosslane, khi xe đạt ngưỡng trên 10.000 v/ph sẽ tạo ra tiếng rít và tiếng hú cực kì phấn khích, đây cũng là một trong những điểm mà phần lớn người chơi đánh giá cao trên R1.
Một vài khiếm khuyết
Siêu xe R1 là một trong những cỗ máy Superbike đúng nghĩa, chỉ dành cho những cung đường thoáng, những track đua chuyên nghiệp, nên việc sử dụng nó để vận hành trên phố thật sự gặp khó khăn. Với sức mạnh 200 mã lực, động cơ chiếc xe toả ra một lượng nhiệt lớn, làm khó chịu khi phải chạy ở tua máy thấp trong đô thị đông đúc.
Vì thiết kế của xe như đã nói ở trên, sẽ hạn chế tối đa lực cản gió và giúp xe bám mặt đường nên yên phụ có 2 khe hút gió. Điều này khiến xe không mấy “sạch sẽ” khi phải di chuyển ở điều kiện đường mưa hoặc bùn đất.
Các trang bị tiêu chuẩn đi kèm theo xe không thật sự đặc sắc, vì với một chiếc siêu xe đậm chất đường đua, thì việc những “tên tuổi lớn” có mặt trên xe phải là điều tất yếu. Thế nhưng R1 lại không được trang bị giảm xóc Ohlins, phanh Brembo… như trên các dòng xe của Italy.
Và mức giá phải trả để chiếc R1 này lăn bánh hợp pháp tại Việt Nam là gần 600 triệu đồng, một con số không mấy dễ chịu khi tại thị trường Mỹ, chiếc xe chỉ có giá khoảng 16.500 USD.
Leave a Reply